Ban đầu, bệnh nhân phát hiện nổi mụn nước ở mu bàn chân phải sau đó tự vỡ và loét hoại tử lan rộng đến cẳng chân, chảy nhiều mủ hôi. Bệnh nhân tự rửa vết thương tại nhà, tuy nhiên tình trạng vết thương diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân sốt cao, lừ đừ và phải nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán:
- Loét nhiễm trùng hoại tử bàn cẳng chân phải mức độ nặng
- Đái tháo đường kiểm soát kém kèm biến chứng bệnh động mạch ngoại biên và thần kinh ngoại biên
- Suy dinh dưỡng nặng
Sau nhập viện, bệnh nhân được cắt lọc, chăm sóc tại chỗ, điều trị nội khoa tích cực gồm kháng sinh mạnh, ổn định đường huyết và bổ sung dinh dưỡng giàu acid amin chuyên biệt để tăng tưới máu, tăng tổng hợp mô hạt để làm đầy vùng mô bị mất đi. Kết hợp với đặt VAC (liệu pháp hút áp lực âm), vết thương nhanh chóng được làm đầy và đủ điều kiện ghép da. Kết quả là sau gần 3 tháng điều trị, vết thương đã hồi phục tốt và bệnh nhân giữ lại được chân phải của mình.
Vết loét bàn chân đái tháo đường là vết thương rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp điều trị giữa nội khoa, ngoại khoa và bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ, nhất là khi bệnh nhân cần chọn lọc nguồn dinh dưỡng đưa vào cơ thể để tránh làm tăng đường huyết.